Trang chủ » Tuyển sinh » Tuyển sinh cao đẳng ,TC » Quy chế tuyển sinh cao đẳng , trung cấp
Quy chế tuyển sinh cao đẳng , trung cấp

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI 

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ   

KỸ THUẬT VÀ CÔNG NGHỆ

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

QUY CHẾ TUYỂN SINH

Trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp năm 2023

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 136/2022/QĐ-CĐKTCN ngày 30/12/2022 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ năm 2023 bao gồm: Thời gian, hình thức tuyển sinh và ngành, nghề đào tạo; Điều kiện tuyển sinh; Hồ sơ đăng ký và phương thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển; Chính sách ưu tiên; Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển sinh (HĐTS); Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thư ký HĐTS; Tổ chức phúc tra; Xác định điểm trúng tuyển; Triệu tập thí sinh trúng tuyển; Kiểm tra kết quả xét tuyển và hồ sơ của thí sinh nhập học; Khen thưởng; Xử lý cán bộ làm công tác tuyển sinh vi phạm; Quyền và trách nhiệm của Hiệu trưởng; Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh; Xử lý thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế; Xử lý thông tin phản ánh vi phạm Quy chế tuyển sinh; Chế độ báo cáo và lưu trữ; Hiệu lực thi hành; Trách nhiệm thi hành.

2. Quy chế này áp dụng đối với tuyển sinh ở các cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng.

Điều 2. Thời gian, hình thức tuyển sinh, phạm vi tuyển sinh và ngành, nghề tuyển sinh

1. Thời gian tuyển sinh: liên tục trong năm (Từ 01/01/2023 đến 31/12/2023)

2. Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển

3. Phạm vi tuyển sinh: Tuyển sinh trong cả nước

4. Ngành, nghề tuyển sinh:

TT

Tên ngành, nghề đào tạo

Mã ngành/ nghề

Trình độ đào tạo

1.            

Quản trị khách sạn

6810201

Cao đẳng

2.            

Hướng dẫn du lịch

6810103

Cao đẳng

3.            

Kỹ thuật chế biến món ăn

6810207

Cao đẳng

4.            

Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn

5810205

Trung cấp

 

Điều 3. Điều kiện tuyển sinh

1. Điều kiện chung

– Có sức khỏe để học tập và lao động phù hợp với ngành, nghề cần học;

– Không trong thời gian bị truy tố hoặc thi hành án hình sự.

2. Điều kiện xét tuyển

2.1. Trình độ cao đẳng:

a) Tổ hợp môn xét tuyển:

TT

Tên ngành

Tổ hợp môn xét tuyển

1

Quản trị khách sạn

A00; C00; D00

2

Hướng dẫn du lịch

C00; D01; D09; D15

3

Kỹ thuật chế biến món ăn

A00; B00; C00; D00

b) Phương thức xét tuyển:

– Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia đối với thí sinh đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

– Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả điểm trung bình môn học của năm lớp 12 đối với tất cả thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

c) Tiêu chí xét tuyển: Áp dụng cho cả 02 phương thức xét tuyển

– Tiêu chí 1: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương;

– Tiêu chí 2: Đủ điểm xét tuyển theo quy định của từng đợt xét tuyển.

d) Điểm xét tuyển (ĐXT):

ĐXT = M1 + M2 + M3 + KV + ĐT

Trong đó:

– ĐXT: Điểm xét tuyển;

– M1 , M2 , M3: Là điểm thi các môn trong tổ hợp môn xét tuyển hoặc là các điểm trung bình môn học của năm lớp 12 thuộc tổ hợp môn xét tuyển;

– KV: Là mức ưu tiên khu vực;

– ĐT: Là mức ưu tiên đối tượng.

e) Nguyên tắc xét tuyển:

– Thí sinh phải đáp ứng các tiêu chí 1, 2 nêu trên;

– Trường sẽ xác định thí sinh trúng tuyển theo điểm xét tuyển (ĐXT) từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu của mỗi ngành, nghề.

2.2. Trình độ liên thông cao đẳng:

– Thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương và có bằng tốt nghiệp Trung cấp, Trung cấp nghề cùng ngành, nghề được đăng ký học liên thông lên trình độ cao đẳng.

– Trường hợp thí sinh tốt nghiệp THCS thì phải hoàn thành chương trình văn hóa bổ sung theo quy định.

– Phương thức xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả học tập ghi trong bảng điểm trung cấp đối với thí sinh đăng ký liên thông từ trung cấp lên cao đẳng

2.3. Trình độ trung cấp :

Trình độ trung cấp: Thí sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và tương đương trở lên, đều được đăng ký học trình độ trung cấp.

Điều 4. Hồ sơ đăng ký và phương thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển

1. Hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) gồm:

a) Phiếu đăng ký xét tuyển;

b) Giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia (đối với phương thức 1);

c) Bản sao học bạ THPT hoặc tương đương (đối với phương thức 2);

d) Bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT;

đ) Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

e) 02 phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên hệ;

g) 02 ảnh 4×6.

* Trường hợp thí sinh xét tuyển trình độ trung cấp nếu chưa tốt nghiệp THPT thì nộp bản sao học bạ THCS và bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời.

2. Phương thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển:

a) Cách 1: Nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện về phòng Đào tạo – Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ theo địa chỉ:

– Cơ sở đào tạo số 2: Số L28, Lô M02, Khu A – Khu đô thị mới Dương Nội, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

– Điện thoại: 024 6666 8518 . Hotline: 0943 116 845

b) Cách 2: Đăng ký online tại website: ecotex.edu.vn

Điều 5: Chính sách ưu tiên

Chế độ ưu tiên khi xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Chương II

TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH

 

Điều 6. Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS

1. Hiệu trưởng trường ra quyết định thành lập HĐTS để điều hành và thực hiện mọi công việc có liên quan đến công tác tuyển sinh.

2. Thành phần HĐTS gồm:

a) Chủ tịch: là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng ủy quyền;

b) Phó Chủ tịch: là Phó Hiệu trưởng hoặc Trưởng phòng đào tạo;

c) Ủy viên thường trực: là Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng đào tạo;

d) Các ủy viên: là một số Trưởng phòng, Trưởng khoa, Trưởng bộ môn, giáo viên và cán bộ công nghệ thông tin do Hiệu trưởng quyết định.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS:

a) Tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh theo Quy chế này;

b) Giải quyết thắc mắc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tuyển sinh;

c) Thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh theo quy định;

d) Tổng kết công tác tuyển sinh.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐTS:

a) Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường;

b) Báo cáo với Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng và các cơ quan quản lý cấp trên về công tác tuyển sinh của trường;

c) Thành lập các Ban giúp việc cho HĐTS để triển khai công tác tuyển sinh.

5. Phó Chủ tịch HĐTS trường thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch HĐTS phân công và thay mặt Chủ tịch HĐTS giải quyết công việc khi Chủ tịch HĐTS ủy quyền.

Điều 7. Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thư ký HĐTS

1. Thành phần Ban thư ký HĐTS, gồm có:

a) Trưởng ban do Ủy viên thường trực HĐTS kiêm nhiệm;

b) Các ủy viên gồm: Một số cán bộ phòng Đào tạo, các khoa, phòng chuyên môn trong nhà trường.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thư ký HĐTS:

a) Quản lý hồ sơ xét tuyển và các giấy tờ, biên bản liên quan đến xét tuyển;

b) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất bằng văn bản theo yêu cầu của Chủ tịch HĐTS về tình hình hồ sơ đăng ký;

c) Dự kiến phương án xét tuyển;

d) Lập danh sách thí sinh trúng tuyển;

e) In và gửi giấy báo triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học;

f) Kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển nhập học.

Điều 8. Tổ chức phúc tra

1. Thời hạn phúc tra:

Hội đồng tuyển sinh trường nhận đơn đăng ký phúc tra về kết quả xét tuyển của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả xét tuyển và

trúng tuyển HĐTS trường phải trả lời thí sinh chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận đơn.

2. Tổ chức phúc tra:

a) Việc tổ chức phúc tra tiến hành dưới sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch HĐTS. Các thành viên đã tham gia quá trình nhập điểm và kiểm dò ở các lần trước không thuộc thành phần tham gia phúc tra; thời gian, vị trí làm việc do Chủ tịch HĐTS quy định;

b) Trước khi tiến hành phúc tra, Ban Thư ký (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:

– Kiểm tra sơ bộ tình trạng hồ sơ ĐKXT của thí sinh, nếu phát hiện có hiện tượng bất thường trong hồ sơ ĐKXT của thí sinh thì lập biên bản và báo cáo Chủ tịch HĐTS trường;

– Lập biên bản bàn giao cho Chủ tịch HĐTS trường các hồ sơ ĐKXT của thí sinh đăng ký phúc tra.

c) Khi tiến hành phúc tra, nhóm phúc tra (gồm ít nhất 02 người) tiến hành các việc sau đây:

– Kiểm tra tình trạng hồ sơ ĐKXT của thí sinh;

– Đối chiếu kết quả xét tuyển, thi tuyển do trường thông báo tới thí sinh đăng ký phúc tra với hồ sơ ĐKXT của thí sinh;

– Báo cáo Chủ tịch HĐTS trường sau khi tiến hành đối chiếu kết quả xét tuyển, thi tuyển của các thí sinh đăng ký phúc tra.

d) Xử lý kết quả phúc tra:

– Nếu kết quả xét tuyển sau khi đã phúc tra giống với dữ liệu trong hồ sơ ĐKXT của thí sinh thì giao kết quả cho Trưởng ban phúc tra ký xác nhận kết quả chính thức;

– Nếu kết quả xét tuyển sau khi đã phúc tra có sự chênh lệch với dữ liệu trong hồ sơ ĐKXT của thí sinh thì rút hồ sơ ĐKXT giao cho Trưởng ban phúc tra xem xét và điều chỉnh đúng với hồ sơ ĐKXT của thí sinh, lập biên bản và lưu hồ sơ tuyển sinh;

– Trong trường hợp phúc tra kết quả xét tuyển mà thí sinh chuyển từ diện không trúng tuyển thành trúng tuyển (và ngược lại), Chủ tịch HĐTS tiến hành xác định nguyên nhân sai sót, nếu thấy có biểu hiện và bằng chứng vi phạm thì xử lý theo quy định tại của Quy chế này.

đ) Kết luận phúc tra:

– Kết quả phúc tra đã được Trưởng ban phúc tra ký xác nhận là kết quả chính thức;

– Kết quả được điều chỉnh do Chủ tịch HĐTS quyết định và thông báo đối với thí sinh đăng ký phúc tra.

 

Chương III

XÉT TUYỂN VÀ TRIỆU TẬP THÍ SINH TRÚNG TUYỂN

 

Điều 9. Xác định điểm trúng tuyển

1. Căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, đăng ký học và chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký. Ban thư ký HĐTS tiến hành:

a) Lập bảng điểm xét tuyển của thí sinh và danh sách đăng ký học (theo từng ngành, nghề, theo từng nguyện vọng);

b) Dự kiến phương án xét tuyển, điểm trúng tuyển trình Chủ tịch HĐTS.

2. Căn cứ biên bản điểm trúng tuyển do ban Thư ký HĐTS dự kiến, HĐTS quyết định điểm trúng tuyển.

3. Chủ tịch HĐTS ra quyết định công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển.

Điều 10. Triệu tập thí sinh trúng tuyển

1. Chủ tịch HĐTS là người trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển và ký Giấy báo nhập học để triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong Giấy báo nhập học ghi rõ những điều kiện cần thiết để làm thủ tục nhập học (các loại giấy tờ theo quy định, học phí, ….).

2. Thí sinh trúng tuyển khi đến trường nhập học mang theo những loại giấy tờ sau đây:

a) Giấy báo nhập học;

b) Bản sao bằng tốt nghiệp THPT và học bạ THPT (hoặc Bản sao bằng tốt nghiệp THCS và học bạ THCS);

c) Giấy khai sinh/CCCD (Bản sao công chứng);

d) Sơ yếu lý lịch (dán ảnh 3×4 có xác nhận của địa phương);

đ) Bản sao bằng, chứng chỉ tốt nghiệp và bảng điểm sơ cấp hoặc trung cấp (đối với hệ đào tạo liên thông);

e) Các loại giấy tờ ưu tiên để được xét miễn, giảm các chế độ về chính sách, xã hội… thí sinh nộp sau khi đã được biên chế vào các lớp học.

Điều 11. Kiểm tra kết quả xét tuyển và hồ sơ của thí sinh trúng tuyển

1. Sau kỳ tuyển sinh, Hiệu trưởng giao cho Phòng Đào tạo tiến hành kiểm tra toàn bộ kết quả của tất cả các thí sinh trúng tuyển nhập học nếu phát hiện thấy các trường hợp vi phạm quy chế hoặc các trường hợp nghi vấn, lập biên bản trình Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐTS xác minh, xử lý.

2. Khi thí sinh trúng tuyển nhập học, Ban thư ký HĐTS thu hồ sơ theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Quy chế này.

Trong quá trình học sinh, sinh viên đang theo học nếu có khiếu nại, tố cáo Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐTS chỉ đạo Ban thanh tra công tác tuyển sinh thanh, kiểm tra hồ sơ và kết quả xét tuyển của thí sinh theo quy định.

 

Chương IV
XỬ LÝ THÔNG TIN PHẢN ÁNH VI PHẠM QUY CHẾ TUYỂN SINH, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ LƯU TRỮ

 

Điều 12: Xử lý thông tin phản ánh vi phạm Quy chế tuyển sinh

1. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế tuyển sinh:

a) Hội đồng tuyển sinh trường;

b) Phòng Đào tạo.

2. Các bằng chứng vi phạm Quy chế tuyển sinh sau khi đã được xác minh về tính xác thực là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm.

Điều 13. Khen thưởng

Cán bộ, giáo viên và người lao động có nhiều đóng góp, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển sinh được giao, tùy theo thành tích cụ thể, được Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐTS trường khen thưởng theo quy định khen thưởng và Quy chế chi tiêu nội bộ của trường.

Điều 14. Xử lý cán bộ làm công tác tuyển sinh vi phạm

Cán bộ, giáo viên và người lao động tham gia công tác tuyển sinh có hành vi vi phạm quy chế sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Điều 15. Quyền và trách nhiệm của Hiệu trưởng

1. Hiệu trưởng trường có quyền quyết định số lần tuyển sinh trong năm và hình thức tuyển sinh của trường.

2. Hiệu trưởng trường xây dựng quy chế tuyển sinh của trường và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

3. Các hình thức xử lý vi phạm do Hiệu trưởng quyết định xử lý theo quy định tại Quy chế tuyển sinh của trường và quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ tuyển sinh

1. Khai chính xác, nộp đủ hồ sơ ĐKXT trong thời gian quy định của trường, đồng thời có mặt đúng thời gian quy định tại trường khi có yêu cầu.

2. Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong phiếu ĐKXT. Trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong phiếu ĐKXT với hồ sơ gốc.

3. Có trách nhiệm phát hiện, tố giác những hiện tượng vi phạm Quy chế tuyển sinh để HĐTS xử lý kịp thời.

Điều 17. Xử lý thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế

Đối với những thí sinh dự tuyển vi phạm quy chế đều phải lập biên bản và tùy mức độ nặng nhẹ bị xử lý kỷ luật theo các quy định tại quy chế này, đồng thời tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý bằng các hình thức khác theo quy định hiện hành của pháp luật.

Tùy theo mức độ vi phạm, Hiệu trưởng quyết định xử lý kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ, tước quyền vào học … theo quy định.

Điều 18. Chế độ báo cáo và lưu trữ

1. Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh, trường gửi báo cáo kết quả tuyển sinh của đợt tuyển sinh đó về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Tất cả các tài liệu liên quan đến kỳ tuyển sinh, Trường bảo quản và lưu trữ trong suốt khóa đào tạo theo quy định của Pháp lệnh Lưu trữ.

 

Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.

2. Các quy chế trước đây về tuyển sinh trái với quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

Các đơn vị có liên quan, toàn thể cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.